Tư vấn đầu tư xây dựng theo hướng bền vững

3
1K

Công tác Tư vấn đầu tư xây dựng góp phần quan trọng vào sự thành công của dự án, đảm bảo cho dự án đáp ứng được các mục tiêu về kinh tế, xã hội và hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. Để đạt được điều đó, đòi hỏi công tác Tư vấn xây dựng cần căn cứ vào điều kiện thực tế của xây dựng Việt Nam để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao Tư vấn xây dựng theo hướng bền vững.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, phát triển bền vững đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Mục đích hướng tới của phát triển bền vững là đảm bảo hài hòa lợi ích của kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển trong tương lại.

Hòa chung với phong trào trên thế giới, Việt Nam đã tham gia rất sớm vào chương trình phát triển bền vững bằng động thái là từ năm 2000, Chính phủ đã quyết định soạn thảo Chương trình nghị sự 21 quốc gia với định hướng các chiến lược về phát triển bền vững.

Ngành Xây dựng là ngành sản xuất quan trọng để tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cơ bản cho nền kinh tế quốc dân. Đối với Việt Nam là một nước đang phát triển, đặc biệt là chúng ta đang trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn.

Và thực tế Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề này, thể hiện bằng việc từ thời kỳ đổi mới đến nay đã có vô vàn dự án đầu tư xây dựng trên mọi mặt của đời sống, kinh tế, văn hóa được triển khai và đã mang lại những thành quả to lớn.

Tuy nhiên, ngành Xây dựng có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tính chất khá đặc biệt, bao gồm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có những đặc thù khác nhau. Trong quá trình triển khai sẽ chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố có thể kể ra như:

(1) Quy định quản lý của đồng thời nhiều bộ ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ GTVT,...

(2) Tác động của điều kiện địa chất, thủy văn, khí hậu: Nắng, mưa bão, lũ lụt… Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cũng có tác động ngược lại với các yếu tố như nguồn nước, đất nông nghiệp, đất rừng, tài nguyên, khoáng sản…

Do đó, ngay từ khi hình thành chủ trương đầu tư xây dựng công trình cần có sự tư vấn nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án, hướng tới sự phát triển bền vững.

2. Khái niệm về phát triển bền vững

Thuật ngữ “phát triển bền vững” được đề cập lần đầu tiên tại ấn phẩm “Chiến lược bảo tồn thế giới” của IUCN năm 1980. Theo đó, phát triển bền vững được định nghĩa là Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học.

Khái niệm này được cụ thể hóa hơn tại báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) năm 1987 là: sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. 

Nguyên tắc của phát triển bền vững:

(1) Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng.

(2) Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

(3) Bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học của Trái đất.

(4) Hạn chế đến mức thấp nhất sự suy giảm của các nguồn tài nguyên không tái tạo.

(5) Giữ vững khả năng chịu đựng của Trái đất.

(6) Thay đổi thái độ và hành vi của con người.

(7) Mở rộng sự tham gia của các cộng đồng trong việc quản lý môi trường.

(8) Xây dựng một khuôn mẫu thống nhất cho quốc gia, thuận lợi cho sự phát triển và bảo vệ.

(9) Xây dựng một khối liên minh toàn cầu trong việc bảo vệ môi trường.

Các mục tiêu của phát triển bền vững đó là:

(1) Tăng trưởng kinh tế: Nhằm tạo ra một nền kinh tế phát triển năng động và bền vững. 

(2) Đảm bảo công bằng xã hội: Bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi người, đều có thể tiếp cận với y tế, văn hóa, giáo dục, các phúc lợi xã hội, giảm dần sự phân hóa giàu nghèo.

(3) Đảm bảo quyền con người: Quyền con người là một trong những nhân tố cốt lõi của phát triển bền vững. Việt Nam đã đề cao quyền con người trong mọi chính sách của quốc gia, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Từ đó bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo dựng nền chính trị ổn định là tiền đề cho sự phát triển bền vững

(4) Bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển bền vững. Bao gồm các hành động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Tư vấn đầu tư xây dựng theo hướng bền vững

3.1. Tư vấn đầu tư xây dựng

Hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế xây dựng, thẩm tra, kiểm định, thí nghiệm, quản lý dự án, giám sát thi công và công việc tư vấn khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.[1]
Theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định các công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm 6 nhóm công việc như sau: [3]

(1) Lập nhiệm vụ, lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, lập nhiệm vụ thiết kế; thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có); Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (nếu có); Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

(2) Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (nếu có); Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; thẩm tra thiết kế công nghệ của dự án (nếu có); thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thi tuyển phương án kiến trúc; thiết kế xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, dự toán xây dựng

(3) Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng; giám sát thi công xây dựng, giám sát lắp đặt thiết bị.

(4) Lập, thẩm tra định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng công trình; thẩm tra an toàn giao thông; áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM).

(5) Tư vấn quản lý dự án (trong trường hợp thuê tư vấn); thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư (nếu có); kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình (nếu có); giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình (trong trường hợp thuê tư vấn).

(6) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Khách sạn Parkroyal, Singapore - Nguồn Booking.com

3.2. Tư vấn đầu tư xây dựng theo hướng bền vững 

Xây dựng bền vững được hiểu là việc thực hiện các hoạt động trong ngành Xây dựng theo hướng phát triển bền vững. Định nghĩa xây dựng bền vững như là “việc sáng tạo và quản lý một cách có trách nhiệm môi trường nhân tạo lành mạnh dựa trên các nguyên tắc về sử dụng nguồn lực hiệu quả và nguyên tắc về sinh thái” [6]. Từ đó có thể thấy để thực hiện nội dung xây dựng bền vững thì công tác tư vấn đầu tư xây dựng cần thực hiện dựa trên các quan điểm sau:

(1) Đưa ra được các giải pháp nhằm hạn chế tối đa có thể việc sử dụng các vật liệu không tái tạo truyền thống, tăng cường áp dụng các loại vật liệu tái tạo thân thiện với môi trường, từ đó giảm thiểu được nguy cơ cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên và hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.

(2) Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, thậm chí từ giai đoạn lập quy hoạch cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các khu bảo tồn thiên nghiên, rừng, nguồn nước, đất canh tác nông nghiệp… qua đó góp phần gìn giữ được sự đa dạng sinh học của tự nhiên, đảm bảo môi trường sống của con người, vấn đề an ninh lương thực, tiến tới xây dựng đất nước phát triển bền vững.

(3) Đảm bảo môi trường sống lành mạnh, đây là vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý khi phải đối mặt với sự phát triển, đặc biệt là tại các đô thị lớn khi mà mật độ dân số quá cao, dẫn đến các vấn đề về ô nhiễm không khí, nguồn nước, bệnh tật và các vấn đề xã hội khác. Do đó đòi hỏi trong quá trình Tư vấn đầu tư xây dựng cần đưa ra các giải pháp nhằm khôi phục và duy trì sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên, từ đó hình thành nên những thành phố ít tiêu thụ năng lượng hóa thạch mà được cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối…) đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho con người.

    Toronto tree tower – Nguồn: dezeen.com

 

Nhìn chung, Tư vấn đầu tư xây dựng theo hướng bền vững là việc kết hợp đồng bộ các nội dung từ thiết kế, công nghệ xây dựng, vật liệu thân thiện với môi trường và được thực hiện xuyên suốt vòng đời của một dự án với mục tiêu cụ thể như:

- Sử dụng năng lượng có hiệu quả.

- Phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng đảm bảo tính bền vững.

- Phát triển các đô thị xanh, đô thị tái tạo, là yếu tố để phát triển đô thị bền vững.

- Đảm bảo môi trường sống nhân tạo lành mạnh.

- Đảm bảo bảo vệ môi trường trong các hoạt động thi công xây dựng và giảm thiểu tác động đến môi trường của các công trình xây dựng thông qua đánh giá tác động môi trường và quản lý chất thải rắn.

4. Các giải pháp nâng cao tư vấn đầu tư xây dựng theo hướng bền vững

(1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng theo hướng bền vững đến các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng, đặc biệt là các nhà tư vấn, hiểu rõ về tầm quan trọng của xây dựng bền vững nói riêng và phát triển bền vững nói chung.

(2) Thường xuyên nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động xây dựng và sử dụng công trình.

(3) Đẩy mạnh phát triển các mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, kiến trúc xanh.

(4) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi giai đoạn thực hiện của dự án đầu tư xây dựng đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư.

(5) Xây dựng và ban hành các hệ thống quy định, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế, sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Từ đó đòi hỏi các nhà tư vấn phải bám sát các quy định, tiêu chuẩn đó để đạt được sản phẩm xây dựng theo hướng bền vững.

(6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin về các giải pháp và thực hiện các nội dung cơ bản của Tư vấn đầu tư xây dựng theo hướng bền vững.

5. Kết luận

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, ngành Xây dựng đang được chú trọng đầu tư đòi hỏi công tác Tư vấn đầu tư xây dựng càng phải được quan tâm hơn nữa nhằm tạo ra các công trình xây dựng đáp ứng được nhu cầu, cơ sở hạ tầng phù hợp với tốc độ đô thị hóa, đồng thời gìn giữ được môi trường tự nhiên, tạo điều kiện sống lành mạnh cho con người, hướng tới một xã hội phát triển và bền vững.

Xem file PDF tại đây

TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Quốc hội (2013), Luật số 50/2014/QH13, Luật xây dựng, ngày 18/06/2014.
[2] Quốc hội (2014), Luật số 62/2020/QH14, Sửa đổi một số điều của Luật xây dựng, ngày 17/6/2020.
[3] Chính phủ (2021), Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, ngày 09/02/2021.
[4] Chính phủ (2017), Quyết định số 622/QĐ-TTg, Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngày 10/5/2017.
[5] Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg, Về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, ngày 01/10/2021.
[6] Bourdeau, Luc (1999), Agenda 21 on sustainable construction, CIB Report, Publication.

Nguồn: https://tapchixaydung.vn/tu-van-dau-tu-xay-dung-theo-huong-ben-vung-20201224000023398.html

Love
2
Site içinde arama yapın
Kategoriler
Read More
Nội thất
Vì sao màu keo chà ron lại quan trong như vậy?
Màu sắc của keo chà ron men sứ, dù là một chi tiết nhỏ, nhưng...
By Demex Việt Nam 2024-11-26 07:34:30 1 740
Môi trường
Chờ tiêu chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng nước thải
Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư hiện hành đều...
By Hạ Tầng Xanh 2024-04-19 01:21:59 0 2K