Nước cho hòa bình

Những biểu ngữ đã được sử dụng trong Ngày nước thế giới năm nay (22/3/2024) có chủ đề “Nước cho hòa bình” gồm: Nước - Cầu nối tới hòa bình và thịnh vượng; Hợp tác vì nước, duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định xã hội; Quản lý nước công bằng và bền vững góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội; Cân bằng nhu cầu về nước là thước đo của sự phát triển; An ninh nguồn nước là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia; Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống chúng ta; Nếu tất cả chúng ta cùng chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước. Chủ đề “Nước cho hòa bình” nhằm nhấn mạnh sự tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
![]() |
Nước cho hòa bình tại sao?
Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN-Water), hiện thế giới có hơn 3 tỷ người phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, các quốc gia phải đoàn kết, cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước; cân bằng lợi ích từ nước đối với các quốc gia sử dụng chung nguồn nước.
Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Nước là động lực ổn định, là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững và là “Nước cho hòa bình”. Chúng ta cùng đoàn kết bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này, cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.
21 năm trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 3 -14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới. Sự kiện này được bắt đầu tổ chức thường niên từ năm 1993, và mỗi năm có một chủ đề nhằm quản lý nguồn nước hiệu quả nhất có thể.
Công bằng trong tiếp cận nguồn nước tại Việt Nam
![]() |
Thủy điện Hòa Bình của Việt Nam |
Trong các điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023, đã quy định về nguyên tắc quản lý “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”. Luật cũng quy định chính sách “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Thông qua nội dung này, Luật cũng tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Việt Nam là một trong những quốc gia, hàng năm hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước. Tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Quản lý tài nguyên nước liên quốc gia tại Việt Nam
![]() |
Sông Cửu Long nằm trong hệ thống nước xuyên biên giới |
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy. Sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) Công ước vẫn chưa có hiệu lực (vì chưa có đủ 35 thành viên), đến quý 3 năm 2014 mới có hiệu lực.
Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu; việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế. Việc gia nhập Công ước này, đã tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương với các quốc gia có chung nguồn nước về hợp tác; giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong điều kiện Việt Nam phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
Từ năm 2022 đến nay, công tác hợp tác quốc tế của lĩnh vực tài nguyên nước tập trung vào những hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi; đã tích cực trao đổi hợp tác và nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật và ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển như Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan phát triển Ý (AICS), Viện Khoa học, Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)...
Nhiều dự án hợp tác quốc tế về tài nguyên nước được các đơn vị thúc đẩy triển khai thực hiện như: Hợp tác kỹ thuật với Hà Lan về vấn đề trữ nước ở đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ thực hiện Ý định thư kí kết với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan; thúc đẩy trao đổi các hoạt động trong các biên bản ghi nhớ đã kí kết về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý tổng hợp và bền vững thủy lợi và tài nguyên nước với Viện Thủy lợi Quốc gia CuBa; đẩy mạnh hợp tác cùng Trường đại học Gent, Vương quốc Bỉ trong nghiên cứu về tài nguyên nước, giám sát và cảnh báo sớm hạn; xây dựng Biên bản ghi nhớ với đối tác Ấn Độ về dự định hợp tác trong chuyển giao, trao đổi công nghệ về quản lý tài nguyên nước; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn DHI Đan Mạch về quản lý và công nghệ tài nguyên nước; nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước” do AFD tài trợ; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình do Chính phủ Italia tài trợ...
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Nguồn: https://tainguyenmoitruong.gov.vn/tin-moi/202403/nuoc-cho-hoa-binh-6712161/
- Nhà ở
- Công trình xanh
- Công nghiệp
- Nội thất
- Cảnh quan
- Hạ tầng
- Quy hoạch
- Đô thị
- Môi trường
- Năng lượng
- Bất động sản
- Dự án
- Khách sạn
- Trường học
- Resort
- Công nghệ
- Vật liệu
